Việt Hóa GameLog in

Cổng tin tức về thế giới game. Hoan nghênh các bạn ghé thăm.


[Tin Trong Nước] Syria thành đấu trường thử nghiệm vũ khí không chiến Nga

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 1-4069-1448962722_m_460x0

Tiêm kích Su-30SM của Nga. Ảnh: Aviationist

Nga đang cân nhắc triển khai hơn 12 chiếc tiêm kích Su-30SM và biến thể nâng cấp Su-27SM3 Flanker tới căn cứ không quân của họ ở Latakia, Syria để hộ tống các máy bay thực hiện nhiệm vụ không kích diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sau vụ Su-24 của nước này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, theo Kommersant.

Đây là động thái mới nhằm tăng cường khả năng tự vệ của Nga, sau khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không tối tân S-400 và tuần dương hạm tên lửa Moskva tới khu vực này cuối tuần trước.

Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar của National Interest, đây là động thái được dự đoán trước bởi Nga đã tuyên bố máy bay tiêm kích của họ sẽ hộ tống tất cả các cường kích thực hiện nhiệm vụ trong tương lai ở Syria.

"Tất cả các hoạt động tấn công đường không sẽ được tiến hành chỉ khi nào có sự bảo vệ của chiến đấu cơ", trung tướng Seigei Rudskoy, một chỉ huy cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu của Nga cho biết hôm 25/11.

Tuy nhiên Nga hiện không có đủ tiêm kích ở Syria để đảm bảo hộ tống máy bay ném bom, bởi vậy việc triển khai thêm các máy bay chuyên về không chiến là điều dễ hiểu.

Nga cũng vừa tuyên bố trang bị tên lửa không đối không dẫn đường chính xác cho các máy bay tiêm kích Su-34 của mình hoạt động ở Syria, theo Sputnik. Đại tá Igor Klimov, phát ngôn viên không quân Nga cho hay các tên lửa này "có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 60 km".

Thử thách thực chiến

Việc Nga triển khai các tiêm kích tiên tiến và các hệ thống phòng không không chỉ giúp bảo vệ máy bay ném bom của họ trước bất cứ mối đe dọa nào, mà còn là cơ hội để quân đội Nga thử nghiệm các vũ khí mới trong môi trường tác chiến thực tế, theo giới phân tích.

Căn cứ vào tuyên bố của đại tá Klimov, ông Majumdar cho rằng tiêm kích bom Su-34 Nga nhiều khả năng mang theo tên lửa không đối không mới Vympel R-73 và các tên lửa sử dụng radar dẫn đường bán chủ động Vympel R-27R1 hoặc R-27ER1.

Chuyên gia này cho biết vì những lý do chưa rõ ràng, các máy bay chiến đấu của Nga, kể cả tiêm kích tối tân Su-30SM, đều đang sử dụng tên lửa tương đối lạc hậu R-27 thay vì R-73 hoặc R-77, phiên bản tên lửa dẫn đường radar chủ động hiệu quả hơn rất nhiều.

Ông Majumdar giải thích rằng có lẽ không quân Nga chỉ tập trung vào mua máy bay tiên tiến mà không để ý tới việc sắm các loại vũ khí phù hợp để trang bị cho các chúng, một hiện tượng khá phổ biến trong các lực lượng không quân trên thế giới. Cuộc chiến ở Syria chính là cơ hội quý báu để Nga thử nghiệm trong môi trường thực tế các loại vũ khí không chiến mới của họ.

Theo nguồn tin tờ Kommersant có được từ Bộ Tổng tham mưu Nga, Moscow ban đầu đã dự kiến triển khai các hệ thống phòng không cũ hơn như S-300PS tới Syria, tuy nhiên sự cố Su-24 bị bắn rơi hôm 24/11 đã mở ra cơ hội triển khai S-400 để "thử nghiệm trong các điều kiện thực tế".

Tương tự, đây là lần đầu tiên tiêm kích Su-27SM3 được triển khai tác chiến sau nhiều lần nâng cấp. Không như các biến thể tối tân Su-27 Flanker khác, phiên bản Su-27SM3 này là bản nâng cấp từ nguyên mẫu ban đầu vốn đã từng phục vụ trong các lực lượng không quân Xô Viết và Nga nhằm đạt các tiêu chuẩn hiện nay.

Dòng Su-27SM được tích hợp bộ khung máy bay chắc chắn, buồng lái bằng kính được nâng cấp, các hệ thống tác chiến điện tử mới và mang theo nhiều loại vũ khí mới. Su-27SM3 cũng được nâng cấp các hệ thống kết nối dữ liệu và một loại radar mới, có thể là phiên bản quét điện tử của radar N001VEP.

Với các nâng cấp này, Su-27SM3 được đánh giá là loại tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4+ có khả năng không chiến hiệu quả gấp đôi phiên bản trước đó là Su-27S, trong khi hiệu quả tấn công các mục tiêu mặt đất cao hơn gấp ba lần.

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 2-6316-1448962723_m_460x0

Su-27SM đang đứng trước cơ hội được tham gia thực chiến đầu tiên sau nhiều lần nâng cấp. Ảnh: EnglishRussia

Duy Sơn
#su-24 #f-16 #thổ-nhĩ-kỳ-bắn-rơi-máy-bay-nga #putin #không-kích #tên-lửa

[Tin Trong Nước] Nga bất ngờ vì Mỹ phản ứng việc triển khai S-400 tới Syria

"Phản ứng của phía Mỹ trước động thái này gây bất ngờ", hãng thông tấn Tass hôm qua dẫn lời Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, nói.

Ông dẫn thông cáo của đại sứ quán Mỹ tại Moscow, trong đó nói việc triển khai hệ thống S-400 sẽ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng trên bầu trời Syria. Nhà nước Hồi giáo (IS) không có không quân, và đại sứ quán Mỹ hy vọng hệ thống phòng không sẽ không nhằm vào liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng đang không kích IS.

"Có thể nói gì về việc này? Chúng tôi chia sẻ quan điểm này cho tới hôm thứ Ba, khi chúng tôi tin rằng máy bay của chúng tôi làm nhiệm vụ phá hủy các cơ sở của Nhà nước Hồi giáo được an toàn trước những cuộc tấn công của cái gọi là liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu", Konashenkov nói đến ngày 24/11, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti hôm qua đưa tin hệ thống S-400 đã được triển khai tới căn cứ Hmeimim của Nga ở Syria. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thông báo động thái nhằm phản ứng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga.

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 4-5180-1448535609-3969-1448617093_m_460x0

Những khả năng ưu việt của tên lửa S-400. Xem chi tiết. Đồ họa: Tiến Thành

Trọng Giáp
#S-400 #tên-lửa #Syria #Nga

[Tin Trong Nước] Putin sẽ hành động gì trước việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game Ngatho-1566-1448427423_m_460x0

Su-24 Nga bốc cháy và lao xuống sau khi bị trúng tên lửa của F-16 Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT

Sau khi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga hôm 24/11, lãnh đạo các nước phương Tây đều có những phản ứng thận trọng và chờ đợi xem liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phản ứng như thế nào đối với hành động mà ông mô tả là "đồng lõa với khủng bố", theo Fiscal Times.

Theo chuyên gia chính sách công Rob Garver tại Đại học Georgetown, sự cố này đã đặt ông Putin vào một tình thế rất nhạy cảm. Lòng yêu mến và hâm mộ của người dân Nga dành cho ông một phần xuất phát từ sự quyết đoán và khả năng thể hiện sức mạnh nước Nga trên trường quốc tế của Putin, và tình cảm của dư luận phần nào sẽ chịu ảnh hưởng bởi vụ bắn rơi máy bay này.

Đây là lần đầu tiên một binh sĩ Nga thiệt mạng khi đang trực tiếp tham gia chiến dịch không kích ở Syria, và nó ít nhiều sẽ khiến dư luận Nga lo lắng về sự an toàn của các binh sĩ được triển khai ở vùng chiến sự. Thảm kịch này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Nga sẽ dùng biện pháp quân sự đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, làm bùng lên cuộc xung đột mới châm ngòi cho "Thế Chiến III".

Tuy nhiên, theo giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học New York, Tổng thống Putin có thể sẽ có những hành động "vừa phải" để vừa thể hiện nỗi tức giận với Thổ Nhĩ Kỳ mà không đẩy hai nước vào một cuộc chiến lớn, vừa xoa dịu được nỗi bức xúc và lo lắng của dư luận trong nước.

Những hành động này ít nhiều mang tính biểu tượng, chẳng hạn như cấm các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh trên sân bay Nga, áp đặt một số lệnh cấm vận kinh tế, tăng giá khí đốt bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, và đưa ra những phản ứng về mặt ngoại giao.

Tại Trung Đông, Nga có thể sẽ có những hành động ngầm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như hậu thuẫn cho phiến quân người Kurd ở khu vực biên giới, tăng cường không kích các nhóm phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn, hoặc gia tăng nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Theo giáo sư Galeotti, mục đích cuối cùng của Nga trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria là giúp Nga có tiếng nói trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho vùng đất này. Điều mà ông Putin quan tâm nhất ở Syria là khía cạnh chính trị chứ không phải quân sự, và ông muốn đạt được giải pháp chính trị càng sớm càng tốt để Nga không sa lầy vào cuộc chiến tại đây.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp đáp trả bằng ngoại giao và kinh tế này, nhiều khả năng Nga hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những dấu hiệu dù là nhỏ nhất để ông Putin có thể tuyên bố với người dân rằng "người Thổ đã nhận lỗi" nhằm hạ nhiệt căng thẳng, ông Galeotti nhận định.

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 1-1343-1448427721_m_460x0

Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Sputnik

Giải pháp quân sự

Từ khóa "Thế Chiến III" đã tràn ngập trên mạng xã hội Twitter ngay sau khi thông tin về vụ Su-24 bị bắn rơi được lan truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng khả năng này gần như không thể xảy ra.

Theo ông Garver, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu ông Putin chọn cách trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ lực, ông sẽ bị đặt vào thế đối đầu trực tiếp với một thành viên của NATO, khối quân sự với hiệp ước phòng thủ chung buộc các nước phải hỗ trợ bất cứ thành viên nào khi bị tấn công.

Ngay sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với đại diện các nước NATO, rất có thể là vì lo ngại rằng Nga sẽ có những phản ứng quyết liệt, các chuyên gia phân tích nhận định.

Đây có thể là lý do khiến các quan chức Nga có phản ứng ban đầu khá thận trọng. "Chúng ta phải kiên nhẫn, đây là một sự cố nghiêm trọng, nhưng khi chưa có đủ thông tin, chúng ta chưa thể nói được điều gì", người phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov tuyên bố.

Phản ứng sau đó của ông Putin có vẻ quyết liệt hơn, khi nói rằng sự cố này sẽ "gây hậu quả nghiêm trọng" đến quan hệ Nga - Thổ, tuy nhiên ông không nói rõ đó là những hậu quả nào, và chúng sẽ nghiêm trọng đến mức nào.

Bình luận viên Roland Oliphant của tờ Telegraph thì cho rằng những sự cố rơi máy bay như thế này đã nằm trong dự liệu của các tướng lĩnh Nga khi phát động cuộc chiến chống IS tại Syria. Bởi vậy, họ chắc chắn đã có những kế hoạch dự phòng để làm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết vấn đề theo hướng phù hợp nhất với lợi ích chiến lược của Nga.

Theo ông Oliphant, Nga không dại gì lao đầu vào một cuộc chiến không có khả năng giành chiến thắng trước NATO, bởi Nga đang phải chịu nhiều sức ép về kinh tế trước các lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây cũng như tình thế bị cô lập chính trị vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các biện pháp về ngoại giao và kinh tế là lựa chọn tối ưu cho ông Putin để đáp trả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia này nhận định.

Ian Kearns, giám đốc Mạng lưới Lãnh đạo châu ÂU (ELN), tổ chức về ngoại giao và giải trừ vũ trang, nhận định Nga sẽ không quá mạnh tay trả đũa bởi điều đó khiến nước này lỡ cơ hội hòa giải với châu Âu.

"Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ mạnh về kinh tế, thương mại và du lịch. Thêm nữa, hoàn cảnh đang đưa nước Nga và phương tây xích gần nhau hơn trong vấn đề Syria sau vụ máy bay bị đặt bom và vụ khủng bố Paris. Nga có lợi ích chiến lược trong việc sử dụng hoàn cảnh này", Kearns nói.

"Sẽ có tranh cãi ngoại giao lớn, nhưng tôi không cho là có leo thang quân sự".

Trí Dũng
#su-24 #f-16 #thổ-nhĩ-kỳ-bắn-rơi-máy-bay-nga #putin #không-kích #tên-lửa

[Tin Trong Nước] Ba nguy cơ quân sự hóa Trung Quốc có thể thực hiện ở Biển Đông

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 1-9306-1447399050_m_460x0

Hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ảnh: CSIS

Sau khi Mỹ thực hiện chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FON), cho tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp, Bắc Kinh đã tỏ ra rất giận dữ và đe dọa sẽ "dùng mọi biện pháp" để đáp trả.

Theo Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong tương lai Trung Quốc có thể sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông theo ba hướng chủ yếu nhằm chống lại các chiến dịch FON mà hải quân Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện ít nhất hai lần mỗi quý.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ triển khai các phương tiện tình báo, giám sát, và trinh sát (ISR) tới các đảo nhân tạo mới được bồi đắp phi pháp ở khu vực Trường Sa của Việt Nam.

Glaser cho rằng việc triển khai ISR giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng nhận định tình huống trong khu vực, thu thập tin tức tình báo và các thông tin mục tiêu quan trọng khi cần. Việc bố trí trạm radar giám sát tầm xa trên đảo nhân tạo có thể giúp Trung Quốc phát hiện tàu và máy bay nước ngoài từ khoảng cách lên tới 320km.

Máy bay tuần tra Y-8X của hải quân Trung Quốc khi triển khai trên đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập sẽ có khả năng xác định vị trí và theo dõi các tàu và máy bay hoạt động trong bán kính lên tới 1.600 km. Các phương tiện ISR của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng vào mục đích thu thập tin tức tình báo cũng như thu thập các thông tin mục tiêu quan trọng khác.

Thứ hai, Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) và các tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có thể đe dọa máy bay, tàu hải quân Mỹ và đồng minh trong khu vực cũng như các bên có tranh chấp chủ quyền khác.

Quân đội Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong 20 năm qua để tăng cường năng lực tên lửa của họ. Nước này đang biên chế với số lượng tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm cho các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Các tên lửa HQ-9 và S-300 PMU-1 có thể tiêu diệt máy bay ở khoảng cách 150-200 km, trong khi các tên lửa ASCM như YJ-62 và YJ-83 phóng từ mặt đất có thể khống chế phần lớn Biển Đông với tầm bắn 120 - 400 km tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp.

Mối đe dọa từ các loại tên lửa này sẽ buộc các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Australia phải cân nhắc kỹ về hoạt động của các tàu và máy bay trên Biển Đông, theo Glaser.

Thứ ba, Trung Quốc có thể sử dụng các đường băng và những cảng nước sâu để hỗ trợ cho các hoạt động của hải quân PLA và không quân (PLAAF) vươn ra ngoài Biển Đông.

Các đường băng và các cảng nước sâu trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn có thể đóng vai trò là các điểm tiếp tế và điều phối cho các tàu quân sự và chiến đấu cơ Trung Quốc, giúp chúng có tầm hoạt động xa hơn trên Biển Đông. Việc triển khai các máy bay có khả năng tiếp nhiên liệu trên không như tiêm kích J-11 giúp mở rộng phạm vi tuần tra của chiến đấu cơ Trung Quốc lên đáng kể, trong khi các máy bay ném bom chiến lược H-6K sẽ đặt các nước ở xa như Australia trong phạm vi không kích.

Về mặt logic, việc bố trí các vũ khí, khí tài hiện đại trên những hòn đảo bao quanh bởi nước mặn này sẽ gia tăng tỷ lệ hao mòn, hỏng hóc, gây tốn kém và gia tăng thách thức. Tuy nhiên, số vũ khí quân sự này cũng mang đến nhiều lợi ích rõ ràng mà Trung Quốc khó có thể phớt lờ, theo Diplomat.

Paul Giarra, chủ tịch Global Strategies & Transformation, công ty tư vấn quốc phòng và chiến lược của Mỹ, cho rằng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo sẽ đem đến cho Trung Quốc các lợi thế cơ bản như củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, tạo vị thế tác chiến trên biển, và mở rộng phạm vi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) mà Trung Quốc đang áp dụng.

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 3-7625-1447399050_m_460x0

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hạ cánh trên một đường băng ở Biển Đông. Ảnh: 81.CN

Đối phó của Mỹ

Tham vọng tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông buộc Mỹ phải cân nhắc các cách tiếp cận chiến lược mới, chủ yếu là vận dụng chiến lược Bù đắp lần thứ Ba (Third Offset), tận dụng các ưu thế về công nghệ quốc phòng nhằm giảm thiểu rủi ro do các vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của PLA gây ra, theo ông Malcolm Davis, phó giáo sư Viện quan hệ quốc tế, Đại học Bond, Australia.

Ông Malcolm cho rằng để đối phó với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, Mỹ cần sự hỗ trợ của các các đồng minh và đối tác chủ chốt trong khu vực như Australia, ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc nhằm khẳng định các nguyên tắc cơ bản như tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế.

Mỹ có thể tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, đặc biệt là Australia, đưa các lực lượng không quân, lục quân, hải quân tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự ở quốc gia này để có thể ứng phó kịp thời hơn với diễn biến tình hình.

Chuyên gia Giarra gợi ý rằng Mỹ và đồng minh "nên mở rộng các vị trí tác chiến vòng ngoài, triển khai các hỏa lực cần thiết ở đây và kết hợp với các yếu tố tâm lý và hợp pháp của chiến tranh hiện đại vào một chiến dịch hợp nhất".

Theo Sean P. Quirk, chuyên gia hải quân tại Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc CSIS, Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông bằng con đường ngoại giao, trên các diễn đàn song phương và đa phương cũng như "tăng cường trao đổi quân sự Mỹ - Trung để nêu quan ngại về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông".

Quirk cho rằng Washington cần chỉ rõ cho Bắc Kinh thấy họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả quốc tế, bao gồm sự lên án của Liên Hợp Quốc và có thể là các biện pháp trừng phạt, nếu họ có những động thái quân sự hóa các các vùng biển quốc tế.

Bù đắp lần thứ Ba là chiến lược Lầu Năm Góc tập trung đầu tư cho vũ khí hạt nhân, năng lực kiểm soát vũ trụ, các cảm biến hiện đại, chiến tranh mạng và phòng thủ tên lửa, các thiết bị lặn không người lái, vũ khí tốc độ cao, vũ khí laser và công nghệ súng điện từ trường, nhằm giải quyết các mối đe dọa khu vực dựa vào ưu thế về công nghệ robot tự động và các công nghệ chủ chốt khác.
Duy Sơn
#trung-quốc #đảo-nhân-tạo-phi-pháp #quân-sự-hóa #biển-đông #tên-lửa #tiêm-kích-j-11 #chiến-đấu-cơ #tuần-tra #tự-do-hàng-hải

[Tin Trong Nước] Đại sứ quán Nga ở Syria trúng hai quả rocket

Topics tagged under tên-lửa on Việt Hóa Game 5ab5bc29-4f5c-4e5e-8353-4e7d88-9074-4287-1444731771_m_460x0

Đại sứ quán Nga ở Syria. Ảnh: Press TV.

Hai quả rocket rơi xuống đại sứ quán Nga ở khu Mazraa, Damascus, khi có khoảng 300 người tập trung tuần hành ủng hộ chiến dịch không kích của Moscow, AFP dẫn lời nhân chứng kể lại. Những người tham gia vẫy cờ Nga và mang theo những bức hình Tổng thống Nga Vladimir Putin cỡ lớn.

Thư ký thứ nhất đại sứ quán Nga tại Syria Eldar Kurbanov xác nhận về vụ tấn công và cuộc tuần hành ngoài đại sứ quán, đồng thời cho biết chưa có thông tin về thương vong, Itar-Tass đưa tin.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), rocket được phóng từ rìa phía đông Damascus, nơi phe nổi dậy Hồi giáo đang cố thủ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov coi vụ tấn công là hành động khủng bố, theo RIA Novosti.

Đây không phải lần đầu tiên Đại sứ quán Nga tại Syria trở thành mục tiêu bị tấn công. Tòa nhà này từng trúng đạn pháo hôm 20/9, khiến Moscow lên án "cuộc tấn công tội ác" nhằm vào phái đoàn ngoại giao và yêu cầu có "hành động cứng rắn".

Như Tâm
#Nga #Syria #tên-lửa #Damascus