Việt Hóa GameLog in

Cổng tin tức về thế giới game. Hoan nghênh các bạn ghé thăm.


[Tin Trong Nước] Hơn 22 tòa nhà bị chôn vùi trong lở đất ở Trung Quốc

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game ChinaBuildingCollapse-05fe0-9040-1450606464_m_460x0

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người sống sót giữa các tòa nhà bị sụp đổ sau vụ lở đất xảy ra hôm nay ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AP

Vụ việc xảy ra vào khoảng 11h40. Lở đất chôn vùi và làm hư hại hơn 22 tòa nhà, đồng thời phủ kín đất đá trên một khu vực rộng gần 20.000 m2, AP dẫn thông báo được đăng tải trên mạng của phòng cứu hỏa Cục An ninh Công cộng Trung Quốc.

Theo thông tin từ kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, có một khu dân cư nằm ngay sát khu công nghiệp Liuxi thuộc quận mới Guangming kể trên. Trong các tòa nhà bị chôn vùi có hai ký túc xá là nơi ở của các công nhân.

Một phần đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Tây-Đông lớn của Trung Quốc ở gần hiện trường vụ lở đất cũng phát nổ, CCTV đưa tin.

Theo ông Ren Jiguang, phó chánh văn phòng công an Thâm Quyến, hầu hết người dân đã được di dời tới nơi an toàn trước khi vụ việc xảy ra. Đội cứu hộ đã sơ tán 900 người và giải cứu 4 người khỏi đống đổ nát, trong đó ba người bị thương nhẹ.

Tờ Beijing Youth Daily dẫn lời một người dân địa phương cho biết, lượng đất đá trút xuống khu vực kể trên được chất chồng lên trong quá trình xây dựng suốt hai năm qua, tạo thành một ụ đất cao tới 100 m.

Hiện trường vụ lở đất

Vũ Hoàng - Phương Vũ
#Trung-Quốc #lở-đất #Thâm-Quyến #Quảng-Đông

[Tin Trong Nước] Trung Quốc tố Mỹ 'khiêu khích quân sự nghiêm trọng'

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game B52-5679-1450510215_m_460x0

Máy bay B-52 của quân đội Mỹ. Ảnh: Boeing

Trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố tình gây căng thẳng trong khu vực.

"Những hành động của phía Mỹ gây ra một sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng và làm phức tạp thêm, thậm chí quân sự hóa Biển Đông", AP dẫn thông cáo viết. Bắc Kinh yêu cầu Washington "ngay lập tức có các biện pháp nhằm ngăn chặn những sự việc như trên và tổn hại đến mối quan hệ giữa quân đội hai nước".

Lầu Năm Góc đang điều tra lý do một máy bay ném bom chiến lược B-52 thực hiện nhiệm vụ hồi tuần trước bay gần Đá Châu Viên hơn so với dự định. Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao nói thời tiết xấu góp phần làm phi công bay chệch hướng.

Theo thông cáo, quân đội Trung Quốc trên đá đã ở trong tình trạng báo động cao suốt chuyến bay của không quân Mỹ hôm 10/12 và đưa ra những cảnh báo yêu cầu máy bay rời khỏi khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cảnh báo sẽ tiến hành bất cứ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ an ninh của nước này.

Hiện Lầu Năm Góc chưa đưa ra phản hồi gì trước cáo buộc mới nhất của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bill Urban trước đó cho biết Trung Quốc đã nêu quan ngại về chuyến bay của B-52 và Mỹ đang điều tra vụ việc.

Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng ủng hộ tự do hàng hải và phản đối hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

Hồi tháng 10, một tàu khu trục của hải quân Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo khác Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Hai máy bay B-52 cũng bay gần các đảo nhân tạo hồi tháng trước, nhưng không đi vào phạm vi 12 hải lý.

Tuy nhiên, hành trình của chiếc B-52 tuần trước không có chủ định như các cuộc tuần tra trên.

Anh Ngọc
#Trung-Quốc #Mỹ #Biển-Đông #đá-Châu-Viên

[Tin Trong Nước] Trung Quốc nói Mỹ khiêu khích chính trị ở Biển Đông

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game C609X0395H-2014-N71-copy1-JPG-9083-1448182629_m_460x0

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân. Ảnh: Xinhua

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm nay ngang nhiên nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur. Ông Lưu biện minh rằng các cơ sở là cần thiết để bảo vệ đảo nhân tạo.

Hồi đầu tháng này, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay gần một số đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, nhằm thể hiện quyết tâm của Washington trong việc thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Cuối tháng 10, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo.

Ông Lưu nói cuộc tuần tra của tàu Mỹ "vượt ra ngoài phạm vi tự do hàng hải. Đó là hành vi khiêu khích chính trị với mục đích là thử phản ứng của Trung Quốc". Ông Lưu còn nói rằng "tự do hàng hải và hàng không chưa bao giờ là vấn đề" tại Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Obama hôm qua kêu gọi các nước ngừng xây đảo nhân tạo và quân sự hóa tại Biển Đông. Ông tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện quyền tự do hàng hải ở vùng biển này.

Lãnh đạo 18 quốc gia trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Đông Nam Á đang họp tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, được tổ chức tại Malaysia.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông. Bắc Kinh còn ngang nhiên cải tạo và xây đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hà Nội khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Phương Vũ
#Trung-Quốc #Mỹ #khiêu-khích #chính-trị #Biển-Đông #đảo-nhân-tạo #tranh-chấp-chủ-quyền

[Tin Trong Nước] Ba nguy cơ quân sự hóa Trung Quốc có thể thực hiện ở Biển Đông

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game 1-9306-1447399050_m_460x0

Hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ảnh: CSIS

Sau khi Mỹ thực hiện chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FON), cho tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp, Bắc Kinh đã tỏ ra rất giận dữ và đe dọa sẽ "dùng mọi biện pháp" để đáp trả.

Theo Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong tương lai Trung Quốc có thể sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông theo ba hướng chủ yếu nhằm chống lại các chiến dịch FON mà hải quân Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện ít nhất hai lần mỗi quý.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ triển khai các phương tiện tình báo, giám sát, và trinh sát (ISR) tới các đảo nhân tạo mới được bồi đắp phi pháp ở khu vực Trường Sa của Việt Nam.

Glaser cho rằng việc triển khai ISR giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng nhận định tình huống trong khu vực, thu thập tin tức tình báo và các thông tin mục tiêu quan trọng khi cần. Việc bố trí trạm radar giám sát tầm xa trên đảo nhân tạo có thể giúp Trung Quốc phát hiện tàu và máy bay nước ngoài từ khoảng cách lên tới 320km.

Máy bay tuần tra Y-8X của hải quân Trung Quốc khi triển khai trên đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập sẽ có khả năng xác định vị trí và theo dõi các tàu và máy bay hoạt động trong bán kính lên tới 1.600 km. Các phương tiện ISR của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng vào mục đích thu thập tin tức tình báo cũng như thu thập các thông tin mục tiêu quan trọng khác.

Thứ hai, Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) và các tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có thể đe dọa máy bay, tàu hải quân Mỹ và đồng minh trong khu vực cũng như các bên có tranh chấp chủ quyền khác.

Quân đội Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong 20 năm qua để tăng cường năng lực tên lửa của họ. Nước này đang biên chế với số lượng tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm cho các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Các tên lửa HQ-9 và S-300 PMU-1 có thể tiêu diệt máy bay ở khoảng cách 150-200 km, trong khi các tên lửa ASCM như YJ-62 và YJ-83 phóng từ mặt đất có thể khống chế phần lớn Biển Đông với tầm bắn 120 - 400 km tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp.

Mối đe dọa từ các loại tên lửa này sẽ buộc các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Australia phải cân nhắc kỹ về hoạt động của các tàu và máy bay trên Biển Đông, theo Glaser.

Thứ ba, Trung Quốc có thể sử dụng các đường băng và những cảng nước sâu để hỗ trợ cho các hoạt động của hải quân PLA và không quân (PLAAF) vươn ra ngoài Biển Đông.

Các đường băng và các cảng nước sâu trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn có thể đóng vai trò là các điểm tiếp tế và điều phối cho các tàu quân sự và chiến đấu cơ Trung Quốc, giúp chúng có tầm hoạt động xa hơn trên Biển Đông. Việc triển khai các máy bay có khả năng tiếp nhiên liệu trên không như tiêm kích J-11 giúp mở rộng phạm vi tuần tra của chiến đấu cơ Trung Quốc lên đáng kể, trong khi các máy bay ném bom chiến lược H-6K sẽ đặt các nước ở xa như Australia trong phạm vi không kích.

Về mặt logic, việc bố trí các vũ khí, khí tài hiện đại trên những hòn đảo bao quanh bởi nước mặn này sẽ gia tăng tỷ lệ hao mòn, hỏng hóc, gây tốn kém và gia tăng thách thức. Tuy nhiên, số vũ khí quân sự này cũng mang đến nhiều lợi ích rõ ràng mà Trung Quốc khó có thể phớt lờ, theo Diplomat.

Paul Giarra, chủ tịch Global Strategies & Transformation, công ty tư vấn quốc phòng và chiến lược của Mỹ, cho rằng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo sẽ đem đến cho Trung Quốc các lợi thế cơ bản như củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, tạo vị thế tác chiến trên biển, và mở rộng phạm vi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) mà Trung Quốc đang áp dụng.

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game 3-7625-1447399050_m_460x0

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hạ cánh trên một đường băng ở Biển Đông. Ảnh: 81.CN

Đối phó của Mỹ

Tham vọng tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông buộc Mỹ phải cân nhắc các cách tiếp cận chiến lược mới, chủ yếu là vận dụng chiến lược Bù đắp lần thứ Ba (Third Offset), tận dụng các ưu thế về công nghệ quốc phòng nhằm giảm thiểu rủi ro do các vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của PLA gây ra, theo ông Malcolm Davis, phó giáo sư Viện quan hệ quốc tế, Đại học Bond, Australia.

Ông Malcolm cho rằng để đối phó với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, Mỹ cần sự hỗ trợ của các các đồng minh và đối tác chủ chốt trong khu vực như Australia, ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc nhằm khẳng định các nguyên tắc cơ bản như tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế.

Mỹ có thể tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, đặc biệt là Australia, đưa các lực lượng không quân, lục quân, hải quân tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự ở quốc gia này để có thể ứng phó kịp thời hơn với diễn biến tình hình.

Chuyên gia Giarra gợi ý rằng Mỹ và đồng minh "nên mở rộng các vị trí tác chiến vòng ngoài, triển khai các hỏa lực cần thiết ở đây và kết hợp với các yếu tố tâm lý và hợp pháp của chiến tranh hiện đại vào một chiến dịch hợp nhất".

Theo Sean P. Quirk, chuyên gia hải quân tại Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc CSIS, Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông bằng con đường ngoại giao, trên các diễn đàn song phương và đa phương cũng như "tăng cường trao đổi quân sự Mỹ - Trung để nêu quan ngại về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông".

Quirk cho rằng Washington cần chỉ rõ cho Bắc Kinh thấy họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả quốc tế, bao gồm sự lên án của Liên Hợp Quốc và có thể là các biện pháp trừng phạt, nếu họ có những động thái quân sự hóa các các vùng biển quốc tế.

Bù đắp lần thứ Ba là chiến lược Lầu Năm Góc tập trung đầu tư cho vũ khí hạt nhân, năng lực kiểm soát vũ trụ, các cảm biến hiện đại, chiến tranh mạng và phòng thủ tên lửa, các thiết bị lặn không người lái, vũ khí tốc độ cao, vũ khí laser và công nghệ súng điện từ trường, nhằm giải quyết các mối đe dọa khu vực dựa vào ưu thế về công nghệ robot tự động và các công nghệ chủ chốt khác.
Duy Sơn
#trung-quốc #đảo-nhân-tạo-phi-pháp #quân-sự-hóa #biển-đông #tên-lửa #tiêm-kích-j-11 #chiến-đấu-cơ #tuần-tra #tự-do-hàng-hải

[Tin Trong Nước] Chủ tịch Trung Quốc đề xuất 4 phương hướng hợp tác với Việt Nam

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game Viet-trung2-1992-1446728847_m_460x0

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình chiều nay. Ảnh: Reuters

Bốn phương hướng mà Trung Quốc muốn thúc đẩy với Việt Nam là hai bên tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược; thúc đẩy hợp tác thiết thực về kinh tế; tăng cường hợp tác biên giới và kiểm soát tốt bất đồng trên biển; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Theo Chủ tịch Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cần thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn ổn định trên biển. Về kinh tế, ông nhấn mạnh đến việc tích cực giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư song phương. Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, ông Tập khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tiến trình khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai nước cần duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển, chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông. Hai bên cần bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Hai bên cũng cần sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Việt Nam và Trung Quốc nên tích cực đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm đạt kết quả thực chất, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên hợp tác và phát triển kinh tế ở khu vực biên giới như: sớm hoàn thành thủ tục nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu đã đủ điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan người, hàng hóa, phương tiện giao thông tại các cửa khẩu của hai nước; phối hợp chặt chẽ ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường của nhau.

Ông Tập nhấn mạnh với nhận thức chung rộng rãi, từ độ cao và tầm nhìn chiến lược, hai bên đều đặt quan hệ hai nước ở vị trí đặc biệt. Ông cũng cho rằng, quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.

Việt Anh
#Việt-Nam #Trung-Quốc

[Tin Trong Nước] Trung Quốc dọa cứng rắn với Mỹ trong cuộc họp cấp cao hải quân

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game China-us-5135-1446109721_m_460x0

Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, và người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi. Ảnh: AP

Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, và người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, dự kiến thực hiện cuộc thảo luận trực tuyến.

Trong cuộc họp báo hôm nay, Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngang nhiên cho rằng ông Ngô sẽ thể hiện lập trường cứng rắn về việc tàu Mỹ "đi vào mà không xin phép" vùng biển ở Trường Sa của Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu phía Mỹ không tiếp tục đi vào con đường sai trái", ông Dương nói thêm. "Nhưng nếu họ cứ đi, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết tùy ý".

Cuộc họp diễn ra sau khi một tàu chiến Mỹ hôm 27/10 đi qua đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép tại quần đảo Trường Sa. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.

Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay nhắc lại tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trọng Giáp
#Trung-Quốc #Mỹ #hải-quân #đô-đốc #Ngô-Thắng-Lợi #John-Richardson

[Tin Trong Nước] Tuần tra Biển Đông, Mỹ tiến sát điểm tới hạn với Trung Quốc

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game Lassen-us-6186-1445915896-8485-1445933484_m_460x0

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: US Navy

Giới học giả nhận định trong quan hệ giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc đã xác lập vị thế luôn tồn tại một điểm tới hạn mà khi vượt quá, mọi chuyện sẽ không thể trở lại như ban đầu. Theo National Interest, Mỹ và Trung Quốc dường như đang nhanh chóng tiến sát tới ngưỡng này, đặc biệt là khi Mỹ vừa thực hiện chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Diễn biến mới nhất củng cố cho nhận định trên là việc Washington hôm nay điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, nơi Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Các cơ quan ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa làm được gì nhiều để giải quyết những vấn đề đang ảnh hưởng tới mối quan hệ hai nước. Trong khi đó, cả Bắc Kinh và Washington đều ngày càng phụ thuộc vào những chiến lược dựa trên sức mạnh quân sự và quyền lực cứng. Điều này đúng đối với những gì diễn ra ở Biển Đông, nơi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, Ryan Pickrell, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, nhận xét.

Đôi bên đều nhận thức được rằng để giữ vững sự ổn định ở Thái Bình Dương, họ cần tránh đối đầu bằng mọi giá. Nhưng cả Washington và Bắc Kinh lại không thể hiện thái độ sẵn sàng thỏa hiệp. Thay vào đó, họ vạch ra những ranh giới, ông Pickrell nói.

Giải pháp mà Trung Quốc đưa ra nhằm đảm bảo thế cân bằng chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung là xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới" với tiêu chí hạn chế đối đầu, tôn trọng hệ thống chính trị, lợi ích quốc gia của nhau và hợp tác cùng có lợi.

Tuy nhiên, Washington cho rằng mô hình "quan hệ nước lớn kiểu mới" không đem lại lợi ích cho người Mỹ, Pickrell bình luận. Nếu chấp nhận mô hình đó, Mỹ sẽ tự tạo ấn tượng về một cường quốc đang thụt lùi và yếm thế trước sức mạnh Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, giới quan chức Mỹ cũng lo ngại mô hình "quan hệ nước lớn kiểu mới" chỉ là một chiêu bài Trung Quốc dùng để khiến Mỹ phải thừa nhận yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, thu hẹp lợi ích của các đồng minh cũng như đối tác chiến lược của Washington trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó làm suy yếu và dần thay thế cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn dắt.

Những lo ngại này có thể là cơ sở để Mỹ quyết định điều tàu USS Lassen tuần tra gần đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Bằng việc triển khai một khu trục hạm tên lửa dẫn đường thay vì những tàu chiến nhỏ tuần tra ở Biển Đông, Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ", Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá. "Họ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra, vì thế mọi việc lúc này phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng".

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game 2-9159-1445938476_m_460x0

Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành

Thay đổi diện mạo khu vực

Sau chuyến tuần tra đầu tiên của USS Lassen, Trung Quốc chỉ phản ứng lại bằng các tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Cơ quan này hối thúc Mỹ "lập tức sửa chữa sai lầm" và "không có những hành động nguy hiểm hay khiêu khích" mà họ cho là đe dọa đến cái gọi là "chủ quyền và lợi ích an ninh" của Trung Quốc.

Theo cựu chuẩn đô đốc Yang Yi, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nước đi mới của Washington sẽ chỉ góp phần phá hoại mối quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời là cái cớ để Bắc Kinh tăng tốc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo.

"Nếu các hoạt động tuần tra này trở thành thông lệ thì xung đột quân sự trong khu vực là không thể tránh khỏi và Mỹ sẽ là bên khơi mào", ông Yang nói.

Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, Sydney, cũng dự đoán Trung Quốc sẽ đẩy mạnh bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông sau chuyến tuần tra của tàu USS Lassen. Hành động đó của Bắc Kinh sẽ khiến Mỹ càng phải duy trì những chiến dịch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển chiến lược này.

Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng những biện pháp liều lĩnh hơn để chống lại hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông trong tương lai của Washington. Hải quân Trung Quốc có thể sẽ tìm cách cản đường hoặc điều tàu bao vây chiến hạm Mỹ, gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ, và đây chính là "điểm tới hạn" làm thay đổi vĩnh viễn quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Pickrell cho rằng chuyến tuần tra của USS Lassen là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc tranh giành quyền lực địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo tương lai của khu vực.

Mâu thuẫn về lợi ích này cho thấy những bế tắc mà Washington và Bắc Kinh đang gặp phải trong quá trình tìm kiếm sự ổn định chiến lược cho khu vực. Dù cả hai quốc gia đều đưa ra cam kết cũng như nhiều lời hứa hẹn nhằm ngăn chặn xung đột xảy ra nhưng không nước nào thực sự đề xuất được một giải pháp khả thi cho tình thế hiện tại. Chính vì vậy, cạnh tranh vẫn tiếp diễn và thế đối đầu đang dần tiến đến ngưỡng bùng phát xung đột, ông này nhấn mạnh.

Kết cục của cuộc đua tranh là một trong hai bên sẽ phải chịu nhượng bộ hoặc buộc phải nhượng bộ trên Biển Đông. Dù kết quả cuối cùng của cuộc ganh đua này như thế nào đi chăng nữa, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không bao giờ còn như cũ được, ông Pickrell nhận định.

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game 7-bai-da-9413-1430618013-14315-8584-4322-1445933485_m_460x0

7 đá Trung Quốc cải tạo trái phép ở Trường Sa. Đồ họa: The Diplomat. (Xem chi tiết)

Vũ Hoàng
#Mỹ #Trung-Quốc #tàu-tuần-tra #Biển-Đông #Subi #đá #đảo-nhân-tạo

[Tin Trong Nước] Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu áp sát đảo nhân tạo ở Trường Sa

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game Tau-8073-1445995014_m_460x0

Tàu khu trục lớp Arleigh-burke USS Lassen (DDG 82) tiến hành tiếp tế với tàu USNS Richard E. Byrd (USNS T-AKE-4) ở biển Hoa Đông hồi năm 2014. Ảnh: USNavy

"Chúng tôi sẽ làm lại lần nữa", AFP dẫn lời quan chức giấu tên nói. "Chúng tôi sẽ di chuyển trên vùng biển quốc tế với thời gian và địa điểm do chúng tôi lựa chọn".

Phát biểu tại phiên điều trần Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter gợi ý sẽ có thêm hành động trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. "Chúng tôi đang hành động dựa trên cơ sở chúng tôi sẽ di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép, bất cứ khi nào cần thực hiện chiến dịch", ông Carter nói.

Tàu Lassen hôm qua di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc tuyên bố hai tàu nước này đã theo dõi tàu Lassen. Một quan chức Mỹ khác cho biết các tàu Mỹ và Trung Quốc đã có liên lạc "thông thường".

Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.

Theo Điều 121, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, nơi nước có chủ quyền có thể kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. Việc mở rộng bồi đắp bất cứ thực thể nào không mang lại quy chế cho chúng theo luật quốc tế.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Trọng Giáp
#Trung-Quốc #Mỹ #tuần-tra #đảo-nhân-tạo

[Tin Trong Nước] Tài xế ngất xỉu, nam thanh niên cứu 20 hành khách

Theo CCTV, vụ việc xảy ra hôm 20/10 tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ngay khi tài xế ngất xỉu, một nam thanh niên ngồi gần ông lao đến điều khiển vô lăng và dừng chiếc xe, ngăn chặn một thảm họa giao thông.

Trong số 20 hành khách, không ai bị thương. Nhưng tài xế tử vong trên đường tới bệnh viện.

Trọng Giáp
#tài-xế #xe #Trung-Quốc #anh-hùng

[Tin Trong Nước] Trung Quốc tuyên bố không liều lĩnh dùng vũ lực ở Biển Đông

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game X-JPG-3657-1445054109_m_460x0

Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Pham Trường Long. Ảnh: CNS.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ liều lĩnh sử dụng vũ lực, ngay cả trong vấn đề chủ quyền, và đã làm hết sức để tránh xung đột bất ngờ", Reuters dẫn lời Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC), phát biểu tại một điễn đàn an ninh cấp cao với sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ông Phạm một lần nữa bao biện các đảo nhân tạo Trung Quốc xây "sẽ không ảnh hưởng đến tự do đi lại" trên Biển Đông. Hai hải đăng mới xây trên đá Gạc Ma và đá Châu Viên "đã bắt đầu cung cấp dịch vụ điều hướng cho tất cả các quốc gia".

Theo ông Phạm, Trung Quốc sẽ "tiếp tục giải quyết tranh chấp và khác biệt với các bên liên quan trực tiếp thông qua tham vấn, phối hợp hành động để duy trì an ninh và ổn định khu vực".

Quan hệ giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á căng thẳng sau khi Bắc Kinh có những hành động hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông. Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo trong vùng biển này, động thái bị các nước trong khu vực và Mỹ chỉ trích mạnh mẽ.

Mỹ cho biết luật pháp quốc tế không chấp nhận tuyên bố chủ quyền với khu vực quanh đảo nhân tạo xây trên thực thể là đá ngầm. Quân đội Mỹ sẽ giương buồm hoặc bay qua mọi khu vực luật pháp quốc tế cho phép.

Trung Quốc phủ nhận cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông, cảnh báo sẽ không cho phép điều mà họ cho là lãnh hải của họ ở vùng biển này bị xâm phạm dưới danh nghĩa tự do đi lại.

Như Tâm
#Trung-Quốc #ASEAN #Biển-Đông #vũ-lực

[Tin Trong Nước] Trung Quốc cam kết không xâm lược láng giềng

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game Asean-6038-1445047718_m_460x0

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (thứ 4 từ phải sang) và những người đồng cấp ASEAN tại sự kiện hôm qua. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn được đưa ra tại cuộc gặp không chính thức giữa bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp các nước ASEAN hôm qua diễn ra tại Bắc Kinh.

Đây là cuộc gặp không chính thức lần thứ 5 giữa những người đứng đầu ngành quốc phòng Trung Quốc và ASEAN, và là lần đầu tiên tổ chức tại Trung Quốc.

Ông Thường khẳng định lại ý kiến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng, dù nước này có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc nhiều nước khu vực, trong đó có các thành viên ASEAN, quan ngại về các bước đi ngày càng quả quyết của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trung Quốc nhiều năm qua đẩy mạnh xây dựng quân đội lớn mạnh, trong đó chú trọng nâng năng lực hải quân. Theo các sách trắng mà nước này công bố, chi tiêu quốc phòng liên tục tăng ở mức hầu hết là hai con số qua từng năm. Đối với tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp các đá ngầm ở Trường Sa - quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam - và xây dựng các công trình trên đó, gây bất bình cho các nước lân cận và liên quan.

Tuy nhiên, tướng Thường vẫn khẳng định đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN. Ông này đề xuất xây dựng các cơ chế an ninh để thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tăng cường lòng tin.

Về Biển Đông, ông Thường nói Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn hòa bình, như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Phía ASEAN đề nghị thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong vấn đề Biển Đông, nơi có tuyên bố chủ quyền chồng lấn của nhiều nước, Bắc Kinh chủ trương đàm phán tay đôi với từng bên, trong khi các quốc gia ASEAN lâu nay cho rằng đây là vấn đề cần sự tham gia của nhiều phía.

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game Vn-3729-1445047718_m_460x0

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tham dự cuộc gặp. Ảnh: VOV

Không được sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực

Phát biểu tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ, với vị thế và tiềm năng to lớn về chính trị, kinh tế và an ninh, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và thế giới.

"Một Trung Quốc phát triển hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN đem lại cơ hội lớn cho ASEAN và ngược lại. Vì vậy, hợp tác phát triển lâu dài, bền vững, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc là mong muốn, là mục tiêu ưu tiên của các quốc gia thành viên ASEAN", ông Thanh nói. Ông cho rằng trong khu vực, điểm tồn tại duy nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề trên biển.

Quan điểm lập trường nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc, xử lý tồn tại bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tinh thần Thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ trưởng Thanh nêu rõ, thực tiễn cho thấy, để quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh phát triển toàn diện, sâu sắc, bền vững và hiệu quả thì các biện pháp xây dựng lòng tin và nâng cao năng lực hành động thực tiễn cần phải được quan tâm, nuôi dưỡng và thúc đẩy.

Bộ trưởng Thanh đề xuất thường xuyên duy trì đối thoại cởi mở, đặc biệt là tiếp xúc cấp cao giữa quân đội các nước, chú trọng hợp tác trên những lĩnh vực có cùng lợi ích, lấy chuẩn mực là luật pháp quốc tế, đặc biệt coi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là nền tảng để xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Các bên cần tuân thủ DOC và xây dựng cho được COC, kiềm chế không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực, nói đi đôi với việc làm, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau được luật pháp quốc tế quy định. Từ đó, các bên sẽ tránh được sự nghi kỵ, hiểu lầm dễ dẫn tới những tính toán sai lầm, cũng như ngăn ngừa và kiểm soát được nguy cơ xung đột.

Theo TTXVN
#Trung-Quốc #ASEAN #hội-nghị #bộ-trưởng-quốc-phòng

[Tin Trong Nước] Trung Quốc quan ngại về tin Mỹ sắp điều tàu thách thức yêu sách Biển Đông

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game USSFORTWORTH-161000-copy1-JPG-6806-1444309641_m_460x0

Một tàu hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Navy Times dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ hôm qua cho biết việc điều tàu có thể diễn ra trong vài ngày tới, nhưng đang chờ chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua lần cuối. Còn Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ hôm nay cho hay động thái có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới.

Khi được hỏi về thông tin này tại cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Bắc Kinh từ lâu đã làm rõ lập trường của mình về Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích.

"Tôi chưa xem thông tin mới nhất mà các bạn đề cập. Tuy nhiên, sau khi nghe những gì các bạn nói, chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về vấn đề này", AP dẫn lời bà Hoa, nói.

Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận về vấn đề này nhiều lần, kể cả trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington tháng trước, bà nói thêm.

"Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể nhìn nhận tình hình Biển Đông hiện tại một cách khách quan, công bằng, và cùng Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông", bà Hoa nói thêm.

Hiện chưa rõ Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào nếu Mỹ tiến hành động thái thách thức yêu sách của nước này ở Biển Đông. Bắc Kinh từng phản đối chính thức về một sự cố hồi tháng 5, khi hải quân Trung Quốc 8 lần yêu cầu máy bay trinh sát P8-A Poseidon của hải quân Mỹ rời khỏi khu vực, khi nó bay qua đá Chữ Thập - nơi Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, cải tạo và xây dựng. Phi cơ Mỹ khẳng định họ đang bay trong không phận quốc tế vào thời điểm đó.

Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các dự án cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hà Nội khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động xây đảo và khẳng định động thái này làm gia tăng căng thẳng, đe dọa sự ổn định của khu vực. Họ nói rằng các công trình xây dựng của Trung Quốc, trong đó có các tòa nhà, bến cảng và đường băng, vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông mà Bắc Kinh ký năm 2002. Văn kiện này thúc giục các bên tranh chấp không xây dựng mới hoặc thực hiện bất kỳ điều gì làm gia tăng căng thẳng.

Phương Vũ
#Trung-Quốc #yêu-sách #vấn-đề-Biển-Đông #Mỹ #12-hải-lý #thách-thức

[Tin Trong Nước] Mỹ sắp điều chiến hạm tới Biển Đông thách thức Trung Quốc

Navy Times dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết động thái có thể diễn ra trong vài ngày tới, nhưng đang chờ chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua lần cuối.

Trong khi đó, Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay hành các tàu nước này có thể vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp trong vòng hai tuần tới.

*Tiếp tục cập nhật

Trọng Giáp
#Mỹ #Trung-Quốc #Việt-Nam #Biển-Đông #đảo-nhân-tạo #Trường-Sa

[Tin Trong Nước] Quan hệ cường quốc kiểu mới - nhiệm vụ bất khả thi của ông Tập ở Mỹ

Topics tagged under trung-quốc on Việt Hóa Game US-President-Barac-3453227b-2195-1443847927_m_460x0

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama khi cùng chứng kiến nghi thức chào mừng của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập hồi cuối tháng trước cho thấy Washington vẫn chưa thể chấp nhận tầm nhìn của ông Tập về một mối quan hệ cường quốc kiểu mới giữa hai nước, Nikkei Asian Review nhận định.

Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc ra sức tô đậm những thành quả nổi bật của ông Tập trong chuyến thăm, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn hờ hững.

"Dù đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập đến Mỹ nhưng không có một tuyên bố chung toàn diện Mỹ - Trung nào được đưa ra", một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh nhận xét và thêm rằng điều này là "bất thường".

Với tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước, nhà phân tích trên cho rằng ngay từ đầu khả năng đôi bên đưa ra một tuyên bố chung như vậy là rất nhỏ bé. Chuyến công du bị bao phủ bởi những bất đồng sâu sắc về các chính sách của Bắc Kinh liên quan đến Biển Đông, tình hình bất ổn của kinh tế Trung Quốc, cũng như các cáo buộc về việc tin tặc nước này tấn công mạng nhiều cơ sở của chính quyền Mỹ.

Chỉ có một tài liệu quan trọng duy nhất mà hai chính phủ cùng đưa ra trong sự kiện lần này đó là tuyên bố chung về biến đổi khí hậu. Đây là bằng chứng phản ánh những cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung thực sự không tạo ra kết quả rõ ràng.

Thông tin trái ngược

Khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố bản tóm tắt nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. 7 tiếng sau, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cũng đăng bản tin liệt kê danh sách "các kết quả" đạt được trong chuyến thăm của ông Tập. Tuy nhiên, các bản tường trình này cứ như đang nói về hai sự kiện khác nhau.

Điểm đầu tiên trong danh sách kết quả đạt được mà Xinhua đề cập là "mô hình mới về mối quan hệ nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ", thể hiện nỗ lực của ông Tập trong cuộc họp báo với Obama khi nhấn mạnh rằng hợp tác song phương cần hướng đến mô hình như vậy.

Song, bản tóm tắt thông tin của Nhà Trắng chỉ khẳng định Bắc Kinh và Washington nhất trí hợp tác hướng đến quản lý các bất đồng giữa hai nước và không có dòng nào đề cập tới "quan hệ cường quốc" hay "mô hình mới".

Theo Nikkei Asian Review, Mỹ kiên quyết từ chối đưa các cụm từ này vào những tài liệu chính thức vì làm vậy là đồng nghĩa với việc công nhận những hành động mà Trung Quốc thực hiện bấy lâu nay nhằm thay đổi nguyên trạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dù vậy, Bắc Kinh dường như vẫn sẽ tiếp tục kiên trì với gợi ý rằng hai quốc gia nên dẫn dắt thế giới với vị thế ngang bằng và không ngáng trở nhau bởi nếu không, mỗi bên sẽ làm đối phương mất thể diện. Ý tưởng hai siêu cường cùng tồn tại này đi liền với cam kết hiện thực hóa giấc mơ "phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc" mà ông Tập theo đuổi.

Ông Tập lần đầu nêu lên mong muốn định nghĩa lại mối quan hệ Mỹ - Trung của mình từ hồi tháng 6/2013 khi Chủ tịch Trung Quốc gặp Tổng thống Mỹ tại Palm Springs, bang California. Có lẽ để mở đường cho việc thiết lập lại tính chất mối quan hệ, ông Tập tuyên bố rằng "Thái Bình Dương đủ rộng để dung nạp cả hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc".

Giới chuyên gia đánh giá, ý tứ trong thông điệp của ông Tập là Trung Quốc nay đã vươn lên trở thành một thế lực kinh tế và quân sự hàng đầu, có quyền thống lĩnh nửa tây Thái Bình Dương. Dù được che đậy bằng những từ ngữ thân thiện, phát ngôn của ông vẽ nên một tương lai mà ở đó Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hành động thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, chí ít là nhằm chấm dứt việc các lực lượng quân sự Washington tiếp cận vùng biển và không phận Thái Bình Dương một cách thoải mái.

Nhà Trắng ban đầu có vẻ không hoàn toàn phản đối cách tiếp cận mà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra. Tháng 11/2013, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thực sự dùng đến cụm từ "mô hình mới" để miêu tả quan hệ Mỹ - Trung. Song, việc Bắc Kinh bất ngờ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Washington. Kể từ đó, Mỹ hạn chế đề cập tới khái niệm "quan hệ cường quốc kiểu mới với Trung Quốc".

Trong cuộc gặp với Tổng thống Obama ở The Hague, Hà Lan, hồi tháng ba năm ngoái, ông Tập một lần nữa nhắc tới mối quan hệ như vậy với Mỹ nhưng ông Obama né tránh chủ đề này.

Phản tác dụng

Thông thường, chính phủ các nước tránh nhấn mạnh những điều mà các nhà lãnh đạo không đồng thuận. Tuy nhiên, bản danh sách kết quả thu được trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập mà Xinhua nêu ra cho thấy Trung Quốc có lẽ không ngại ngần thực hiện điều này. Bắc Kinh không chỉ xem "mô hình mới về quan hệ nước lớn" là kết quả đạt được mà còn đưa nó lên đầu tiên trong bản danh sách.

Theo quan sát viên Katsuji Nakazawa, đây là cách chính phủ Trung Quốc uốn nắn đường hướng ngoại giao phù hợp với các mối quan tâm trong nước. Nhưng, đằng sau những lời lẽ hùng hồn và các bản tin sôi nổi của truyền thông nhà nước, vẫn tồn tại những lời xì xào bàn tán quanh thành quả hoạt động ngoại giao của ông Tập.

Năm 2011, chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ và gặp Tổng thống Obama. Hai ông đã ra tuyên bố chung sau các cuộc gặp cấp cao. Người tiền nhiệm của ông Hồ, ông Giang Trạch Dân cũng thực hiện chuyến công du cấp nhà nước đến Mỹ vào năm 1997 và cũng ra tuyên bố chung Mỹ - Trung.

"Xét trên khía cạnh này, ông Tập vẫn chưa thể sánh ngang với thành tích ngoại giao của hai người tiền nhiệm. Đó là điểm đáng ngại", một nhà phân tích chính trị Trung Quốc nhận xét.

Cho tới thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc vẫn áp dụng chiến thuật ngoại giao "náu mình chờ thời" do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Chủ tịch Tập thì khác, ông đã dẹp bỏ lối tư duy này và bắt đầu gây áp lực lên Mỹ bằng các chính sách lãnh thổ mang tính khiêu khích. Nhưng việc không có tuyên bố chung trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung vừa qua có thể là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận cứng rắn của ông đang phản tác dụng.

Ông Tập có thể sẽ nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc đến năm 2023. Trái lại, ông Obama thì chuẩn bị rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017. Chính vì thế, Chủ tịch Tập trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ không từ bỏ các mục tiêu tham vọng và những chiến thuật hung hăng của mình. Ông sẽ thúc ép tổng thống Mỹ kế tiếp đưa ra một tuyên bố chung đề cập đến "mô hình mới", ghi nhận sức mạnh của Trung Quốc ngang bằng với Mỹ, chuyên gia bình luận.
Hồng Vân
#Trung-Quốc #Tập-Cận-Bình #cường-quốc-kiểu-mới #Mỹ #Obama #Tổng-thống #Chủ-tịch