Trong tổng số 1,3 tỷ smartphone đang hoạt động trên toàn cầu, Trung Quốc chiếm tới 400 triệu, thế nhưng thị trường từng một thời được đánh giá là đất vàng này đang có dấu hiệu chững lại.
Đến "Apple Trung Quốc" cũng bắt đầu "mỏi cánh" !
Có thể nói năm 2014 là quãng thời gian ngọt ngào nhất của Xiaomi khi startup vừa bước sang tuổi thứ 5 chính thức trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau hai gã khổng lồ của ngành công nghiệp là Samsung và Apple. Bán được tới 61 triệu smartphone, doanh thu đạt mức 12 tỷ USD và thu hút thêm 1,1 tỷ USD để đạt mức định giá 46 tỷ - những con số này đủ để CEO Lei Jun tự tin rằng Xiaomi đã thực sự “đủ lông đủ cánh” bay ra các thị trường khác ngoài Trung Quốc cùng tham vọng bán ra 100 triệu smartphone trong năm 2015.
Doanh số bán ra của Xiaomi đang có chiều hướng giảm xuống
Bây giờ là tháng 7/2015, nghĩa là Xiaomi đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch của mình. Xiaomi công bố rằng họ đã bán được 34,7 triệu smartphone trong nửa đầu năm 2015, tăng 33% so với năm ngoái - một dấu hiệu tươi sáng. Tuy nhiên, con số này còn chưa được một nửa so với mốc dự kiến 100 triệu và theo nhiều biểu đồ thống kê, doanh số Xiaomi đã bắt đầu đi ngang và đang có dấu hiệu đi xuống.
CEO Lei Jun đã điều chỉnh mục tiêu bán 100 triệu smartphone năm 2015 xuống "từ 80 đến 100 triệu"
Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng thời gian qua Xiaomi đã nỗ lực mở rộng sang Ấn Độ, Indonesia và Brazil - những thị trường vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy số lượng smartphone bán ra của nhà sản xuất được mệnh danh là "Apple của Trung Quốc" này. Trước tình hình không mấy khả quan, CEO Lei Jun đã điều chỉnh mục tiêu bán 100 triệu chiếc smartphone trong năm 2015 xuống thành "từ 80 đến 100 triệu". Đâu là nguyên nhân khiến cho vị CEO tài năng này "mất ăn mất ngủ" như vậy?
Chuyện gì đang xảy ra tại thị trường smartphone béo bở nhất thế giới ?
Theo giới quan sát, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh số Xiaomi có dấu hiệu xấu đi. Có thể kể đến việc công ty Ericsson tố cáo Xiaomi vi phạm bản quyền công nghệ viễn thông của hãng hoặc các vụ tai tiếng liên quan đến ăn cắp dữ liệu người dùng hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Bloomberg, Matthew Kanterman và John Butler, có một lý do quen thuộc với cả Xiaomi cũng như tất cả các nhà sản xuất khác: Thị trường smartphone ở Trung Quốc - "sân nhà" của Xiaomi đã gần đạt mức bão hòa.
Thị trường smartphone Trung Quốc đã bão hòa - trung bình mỗi người dân sở hữu một chiếc smartphone
Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone tại đất nước đông dân nhất thế giới đã lên tới 90%, điều này đồng nghĩa ai cũng sở hữu ít nhất 1 chiếc smartphone, bất kì chủng loại và phân khúc. Khác với những năm trước, khi mà điện thoại cơ bản vẫn tràn ngập trên thị trường nội địa thì các nhà sản xuất Trung Quốc có thể thỏa sức tung ra các smartphone nhằm chiễm lĩnh vị thế của mình. Nhưng một khi thị trường đã có dấu hiệu quá “no nê”, giờ đây họ sẽ phải lo cạnh tranh trực tiếp với nhau và hơn hết là các sản phẩm từ nước ngoài như Apple hay Samsung…
Tuy nhiên, các nhà sản xuất smartphone nước ngoài cũng "ế ẩm" không kém những doanh nghiệp nội địa. Siêu phẩm Samsung Galaxy S6 của Samsung không thể cứu vớt nhà sản xuất Hàn Quốc này khi tổng doanh thu tiếp tục giảm 4%, HTC thua lỗ tới 257 triệu USD trong quý II/2015 và Lenovo đã sa thải giám đốc mảng di động khi số lượng smartphone bán ra giảm tới 22% chỉ sau 3 tháng.
Trong khi bộ đôi S6 & S6 Edge không cải thiện được tình hình cho Samsung
Nhưng có một người khổng lồ vẫn đứng vững và củng cố vị trí thống trị của mình tại thị trường smartphone Trung Quốc - Apple. Trong 6 tháng đầu năm 2015, ước tính đã có tới 100 triệu chiếc iPhone được bán ra, chiếm 87,5% doanh số smartphone cao cấp (con số này 2 năm trước chỉ là 55%). Mọi thứ ấn tượng hơn nữa khi giá bán những chiếc iPhone của Apple cao gấp 3 đến 5 lần so với những siêu phẩm flagship của Xiaomi. Sức mạnh của cặp đôi iPhone 6, iPhone 6 Plus cũng đẩy mức giá trung bình của một chiếc smartphone tiêu thụ tại Trung Quốc từ 192 USD thời điểm quý 3/2015 lên mốc 263 USD.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích của IDC, Bryan Ma, sự gia tăng ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc lên Apple không phải lúc nào cũng tốt. Ngày 21/7 vừa qua, giá cổ phiếu của Apple trượt dốc 7% sau khi CEO Tim Cook công bố kết quả quý III dưới mức kỳ vọng. Kết quả này đến từ chính thị trường Trung Quốc: chỉ tiêu thụ được 12,5 triệu chiếc, kém 2 triệu so với dự báo của IDC.
Thị iPhone vẫn khẳng định đẳng cấp của mình ở phân khúc cao cấp
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới doanh số smartphone ở Trung Quốc đến từ chính phủ. Trước đây, 2 nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile và China Unicom được chính phủ trợ giá trong thời gian dài để bán những chiếc smartphone cao cấp. Tuy nhiên tất cả đã thay đổi khi lệnh kiểm soát chi tiêu được thắt chặt, ngân sách trợ cấp hàng năm của China Mobile bị cắt giảm 2,1 tỷ USD (từ 5,5 tỷ USD xuống 3,4 tỷ USD).
Tổng lượng người dùng smartphone ở Trung Quốc đã giảm đi khoảng 1 triệu. Theo Steven Pelayo, chuyên gia phân tích công nghệ của HSBC tại Hồng Kông cho rằng "sự tăng trưởng chậm chạp này đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ nhà mạng cho đến những nhà sản xuất linh kiện".
Tương lai khó đoán
Tình hình thị trường ảm đạm, những nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc buộc phải tính lối đi khác để duy trì hoạt động. Compal Electronics - công ty Đài Loan sản xuất smartphone theo đơn đặt hàng đã phải mời chào Micromax và những công ty khởi nghiệp mới nổi ở Ấn Độ. Tuy nhiên những doanh nghiệp này thường chọn những nhà cung cấp có thương hiệu và uy tín hơn như Nokia, Samsung hay Sony.
"Con lợn" nào sẽ sống sót sau cơn lốc thị trường chứng khoán?
Xiaomi sau khi thành công với máy lọc nước thì tiếp tục hợp tác với Midea Group để phát triển điều hòa không khí thông minh. Hugo Barra - phó chủ tịch Xiaomi hi vọng dòng sản phẩm mới sẽ thành công ở thị trường nội địa cũng như các quốc gia khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và cả Việt Nam.
Lối đi nào sẽ cứu vãn các ông lớn smartphone ở Trung Quốc? Họ phải tính tới việc nâng tầm sản phẩm, mở rộng thị trường toàn cầu cũng như liên kết với các nhà mạng trong nước… Chắc chắn con đường phía trước sẽ vô cùng chông gai và khó khăn. Đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trên đà sụp đổ, cuốn bay gần 4 nghìn tỷ USD chỉ trong giai đoạn cuối tháng 6 đầu tháng 7.
Tổng hợp
Xiaomi đặt chân vào Việt Nam, đã có diễn đàn chính thức cho người dùng Việt
#new-topic #tincongnghe
Nguồn: http://genk.vn/