Tàu sân bay USS Reagan của hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Ngày 15/12, trang Washington Free Beacon của Mỹ dẫn lời các quan chức quốc phòng nước này cho hay tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã thực hành một cuộc tấn công mô phỏng bằng tên lửa vào tàu sân bay USS Reagan trong cuộc chạm trán cách đây vài tuần trên biển Nhật Bản.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội, các quan chức hải quân Mỹ cho biết sự cố diễn ra vào ngày 24/10, chỉ vài ngày trước khi tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Tuy nhiên Mỹ đã giữ bí mật về vụ việc này trong nhiều tuần nhằm tránh ảnh hưởng đến quan hệ quân sự giữa Lầu Năm Góc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tàu sân bay hạt nhân USS Reagan là trung tâm của cụm tàu sân bay chiến đấu duy nhất đang được Mỹ triển khai tới Yokosuka, Nhật Bản để thế chỗ cho cụm tàu sân bay chiến đấu USS Washington. Cụm tàu sân bay này sở hữu nhiều loại vũ khí chống ngầm hiện đại, trong đó có những tàu chiến được trang bị cảm biến và ngư lôi săn ngầm.
Trong cuộc chạm trán được coi là "gần nhất giữa tàu sân bay Mỹ và tàu ngầm Trung Quốc trong một thập kỷ qua" trên biển Nhật Bản, tàu ngầm Trung Quốc đã thực hành diễn tập một cuộc tấn công mô phỏng bằng tên lửa nhắm vào tàu sân bay Mỹ, các quan chức hải quân cho biết.
Theo giới phân tích, nếu tàu ngầm Trung Quốc diễn tập khóa mục tiêu tên lửa vào tàu sân bay Mỹ, họ đã vi phạm Quy tắc Chạm trán Bất ngờ trên biển (CUES) mà hai nước ký kết năm 2014, nhằm giảm thiểu nguy cơ nổ ra xung đột giữa tàu chiến hai bên.
Theo thỏa thuận CUES, hạm trưởng trên tàu chiến hai nước phải tránh thực hiện những hành động có thể gây hiểu nhầm hoặc có nguy cơ gây ra tai nạn, chẳng hạn như ngắm bắn, sử dụng radar khóa mục tiêu của tên lửa, ngư lôi hoặc các loại vũ khí khác.
Thông tin trên đã khiến các nghị sĩ Mỹ tỏ ra quan ngại. "Nếu đúng, đây là một trường hợp nữa cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ với chúng ta rằng họ có thể khiến lực lượng Mỹ trong khu vực gặp nguy hiểm", ông Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, tuyên bố.
Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ việc trên thể hiện nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại các cụm tàu sân bay chiến đấu, một trong những loại vũ khí chiến lược của Mỹ trong thể hiện sức mạnh trên Thái Bình Dương.
Ông Rick Fisher, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, cho rằng hải quân Trung Quốc hiện đang sở hữu nhiều loại tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa diệt hạm. Tàu ngầm tấn công lớp Tống và lớp Nguyên có thể bắn hai loại tên lửa chống hạm qua ống phóng ngư lôi, trong đó có tên lửa YJ-82 có tầm bắn lên tới hơn 35 km.
Một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Navytimes
8 trong số 12 tàu ngầm lớp Kilo mà Trung Quốc mua của Nga cũng được trang bị tên lửa diệt hạm Club với tầm bắn khoảng 220 km. Tàu ngầm lớp Thương mới được Trung Quốc trang bị thậm chí còn có thể phóng cả tên lửa hành trình.
Theo chuyên gia này, việc tàu sân bay Mỹ có thể phát hiện mình đang bị tên lửa đối phương khóa mục tiêu chứng tỏ tàu ngầm Trung Quốc đang bị hải quân Mỹ giám sát rất chặt chẽ. "Với khả năng giám sát này, phía Mỹ có thể biết được tàu ngầm Trung Quốc có ý đồ thù địch thật sự hay không, để có thể kịp thời phóng các loại vũ khí tự vệ", Fisher nói.
Ông Fisher nhận định đây là một sự cố nghiêm trọng, bởi nếu có hiểu lầm xảy ra dẫn đến đụng độ, chắc chắn tàu ngầm Trung Quốc sẽ bị tiêu diệt và toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng bởi ngư lôi săn ngầm RUM-139C, có tầm bắn khoảng 27 km của Mỹ. "Ngay cả khi Trung Quốc có lỗi trong vụ việc này, Bắc Kinh cũng có thể lấy đó làm cớ để phát động một loạt các cuộc tấn công hoặc va chạm với tàu chiến Mỹ", ông nói.
Lyle J. Goldstein, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết giới quân sự Trung Quốc gần đây thường xuyên thảo luận về chiến thuật tiêu diệt tàu sân bay Mỹ. Một chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc viết trên tờ Quân Giải phóng rằng nước này đang nghiên cứu một báo cáo về đợt tập trận giả định của hải quân Pháp, trong đó một tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ đã đánh đắm tàu sân bay USS Roosevelt và vài tàu hậu cần khác.
"Điều này cho thấy các chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc đang tìm cách nghiên cứu kẽ hở trên lớp áo giáp của hải quân Mỹ", ông Goldstein nói.
Việt Dũng
#tàu-ngầm-trung-quốc #tàu-sân-bay-mỹ #biển-nhật-bản #khóa-mục-tiêu #tên-lửa-diệt-hạm #săn-ngầm #tác-chiến |