Các tòa nhà này đều "3 không": không hệ thống báo cháy; không hệ thống chữa cháy tự động; không hệ thống chữa cháy vách tường. Cầu thang bộ chỉ giúp cư dân khi thang máy hỏng chứ không giúp được thoát nạn khi xảy ra cháy. “Nếu xảy ra cháy ở chung cư tái định cư sẽ là thảm họa”, ông Nam nhấn mạnh.
Kết quả giám sát phòng cháy chữa cháy tại các chung cư tái định cư cho thấy nguy cơ cháy nổ đáng báo động. Ảnh: Bá Đô.
Thực tế kiểm tra của Ban pháp chế cho thấy khi xuống một số chung cư, sau nửa tiếng đồng hồ mới gọi được duy nhất bảo vệ trông xe dưới tầng hầm. Tuy nhiên chìa khóa mở hệ thống tầng hầm lại không tìm thấy. Lúc mở được thì phát hiện toàn bộ các máy bơm 3 năm nay không hoạt động…
Từ tháng 3/2015 Sở Phòng cháy chữa cháy đã có văn bản đề nghị thành phố quan tâm nhưng đến tháng 10/2015 đoàn giám sát của HĐND đi kiểm tra thì vẫn có tình trạng như vậy. "Xin hỏi Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, bao giờ khắc phục được và ai sẽ khắc phục những bất cập nêu trên?”, người đứng đầu Ban pháp chế nói trong buổi chất vấn chiều 3/12.
Trước khi trả lời, ông Sơn dẫn ra quy định về pháp luật liên quan trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy, cho hay việc tuyên truyền phổ biến pháp luật rất quan trọng. Tiếp đó là công tác phòng cháy chữa cháy với phương châm 4 tại chỗ.
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam chất vấn về phòng cháy chữa cháy tại chung cư tái định cư. Ảnh: Võ Hải.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn, cho rằng Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn trả lời không đúng. Ông hỏi công tác phòng cháy chữa cháy nhà tái định cư chứ không phải nhà thương mại. Theo Trưởng ban Pháp chế, cùng nhà tái định cư, tình trạng vi phạm giống nhau, nhưng 18 tòa nhà đã bàn giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển nhà quản lý đã đang được sửa chữa, bổ sung thiết bị phòng cháy chữa cháy. Còn tại 112 tòa tái định cư do Công ty TNHH MTV quản lý nhà Hà Nội quản lý thì chưa có động thái gì với lý do “không có tiền”.
Xin lỗi vì không nghe rõ câu hỏi, ông Sơn nói xin được tiếp thu và sẽ yêu cầu Công ty TNHH MTV quản lý nhà Hà Nội phải có báo cáo. Phó chủ tịch cho hay, công tác phòng cháy chữa cháy được thành phố rất quan tâm, khi có phương án cụ thể sẽ báo cáo đại biểu và HĐND.
Thông tin thêm với các đại biểu HĐXX, đại tá Hoàng Quốc Định (Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội) cho biết thành phố mỗi năm xảy ra trung bình 150-200 vụ cháy lớn, khoảng 500-700 sự cố cháy. Các sự cố này tiềm ẩn nguy cơ cao nếu không phát hiện, chữa cháy kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, người dân thường thờ ơ với công tác phòng cháy chữa cháy, khi xảy ra thì mới quan tâm.
Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay qua giám sát nhận thấy 745 công trình chưa được thẩm định, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động. "Đây là trách nhiệm của Sở vì luât quy định phải có thẩm định của phòng cháy chữa cháy mới được đưa vào hoạt động. Tỷ lệ các doanh nghiệp, các khu công nghiệp được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy rất thấp", bà Ngọc nói và cho rằng Sở cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm.
Võ Hải
#chung-cư-tái-định-cư #pccc #trưởng-ban-pháp-chế #ông-nguyễn-hoài-nam #nguy-cơ-cháy-nổ. |