Quy mô thị trường webgame Trung Quốc trong quý 2 năm 2015 đã đạt 5,883 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20,735 tỷ VNĐ), giảm 3,3% so với quý trước đó.
Dựa trên bảo cáo “Thị trường webgame Trung Quốc trong quý 2 năm 2015” mới được phát hành bởi cơ sở nghiên cứu EnfoDesk cho thấy, quy mô thị trường webgame Trung Quốc trong quý 2 năm 2015 đã đạt 5,883 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20,735 tỷ VNĐ), giảm 3,3% so với quý trước, và tăng trưởng 9,2% so với cùng quý 2 năm 2014.
Trong quý 2 năm 2015 vừa qua, thị trường webgame Trung Quốc xuất hiện tình trạng suy giảm tăng trưởng, chủ yếu do chịu ảnh hưởng của game mobile, khiến thời gian người chơi đầu tư cho các sản phẩm trên PC bị dồn nén. Đồng thời, các công ty webgame cũng không ngừng quá trình giảm dần đầu tư cho webgame, nhằm chuyển hướng sang thị trường game mobile.
Quy mô thị trường webgame Trung Quốc từ quý 2 năm 2013 - quý 2 năm 2015, theo nghiên cứu của Analysys thuộc EnfoDesk
Hiện nay, thị trường webgame Trung Quốc đã bước vào giai đoạn chín, số lượng đối tượng tham gia mới có chiều hướng giảm dần, các công ty cũng không còn ồ ạt tung ra sản phẩm mới nữa, và rào cản để cộng tác phân phối game trên những kênh lớn ngày càng cao. Khả năng cạnh tranh của những nền tảng webgame có năng lực tự nghiên cứu phát triển được thể hiện rõ rệt, liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng trong vài quý gần đây.
1. Nền tảng tự nghiên cứu sản phẩm bảo toàn dẫn đầu
Trong quý 2/2015, tổng thể tình trạng mở server mới của thị trường webgame Trung Quốc có tăng lên, các nền tảng tự nghiên cứu sản phẩm chất lượng cao đã gia tăng quy mô quảng cáo, cộng thêm việc nhiều minh tinh làm đại sứ hình ảnh, những sản phẩm top đầu có doanh thu tăng trưởng rõ rệt. Trong đó, đơn vị dẫn đầu là 37 Games là tiêu biểu cho các nền tảng webgame tự có năng lực nghiên cứu phát triển, không ngừng gia tăng đầu tư, bảo toàn vị trí số 1 của mình.
Hai sản phẩm xuất sắc dưới lá cờ của 37 Games phải kể tới Truyền Kỳ Bá Nghiệp và Đại Thiên Sứ Chi Kiếm của công ty con JGGame. Trong đó, Truyền Kỳ Bá Nghiệp đã kế tục thành công của Đại Thiên Sứ Chi Kiếm trong năm ngoái, trở thành sản phẩm chủ lực của 37 Games ở giai đoạn nửa đầu năm 2015.
Bố cục cạnh tranh các thương hiệu tự nghiên cứu webgame Trung Quốc trong quý 2 năm 2015. Top 5 gồm 37 Games, Guangzhou Chuangsi, Youzu, Mokylin và Gamewave
Đứng ở vị trí thứ 2 trên thị trường webgame Trung Quốc là Guangzhou Chuangsi cũng có được thành công sau khi tiến hành mở cửa thương mại hóa sản phẩm Lôi Đình Chi Nộ ở giai đoạn cuối quý 1, gần đây có thêm sức ảnh hưởng của nam diễn viên Trương Vệ Kiện làm đại sứ, doanh thu đã gia tăng rõ rệt.
Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Youzu và Mokylin đã bị giảm một chút thị phần trong quý vừa qua, lí do chính là bởi họ đều đang tiến hành chiến lược tấn công game mobile, nên giảm thiểu thúc đẩy phát triển webgame mới.
Đồng thời, hãng Gamewave đã tiến vào top 5 nền tảng webgame tự nghiên cứu hàng đầu với sản phẩm Thiên Thư Thế Giới được mở cửa cuối tháng 3/2015. Trò chơi này được phát triển và vận hành độc quyền bởi đơn vị Game2 dưới lá cờ của Gamewave, dung hợp những yếu tố kinh điển của thể loại ARPG và SLG, lại còn đưa ra nhiều dạng gameplay mới lạ. Nhà sản xuất đã mời ngôi sao Trương Tịnh Dĩnh làm đại sứ, song song với việc tăng cường quảng cáo trên nhiều nền tảng phổ biến, sẽ đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ trong vài quý tới.
Bố cục cạnh tranh nền tảng vận hành webgame Trung Quốc trong quý 2 năm 2015. Top 3 dẫn đầu gồm Tencent Games, 37 Games và 360 Games
2. Bố cục nền tảng vận hành ổn định, xu hướng nhất thể hóa "nghiên vận" lên ngôi
Về mặt bố cục cạnh tranh các nền tảng vận hành webgame Trung Quốc, Tencent Games tiếp tục thống lĩnh thị trường với 32,3% thị phần, hoàn toàn bỏ xa những đối thủ ở phía sau. 37 Games nhờ vào việc vận hành độc quyền nhiều sản phẩm tự nghiên cứu đã đứng ở vị trí thứ 2 với 13,9%. 360 Games tiếp tục tăng cường lưu lượng phục vụ PC, hợp tác mạnh mẽ với Gamewave, không ngừng gia tăng server mới và chiếm 10,4% thị trường ở vị trí thứ 3. Ngoài ra, các nền tảng lớn còn lại đều chỉ chiếm được vài % thị phần mà thôi, sót lại 15,7% thị phần cho tất cả những người khác.
Trước mắt, thị trường webgame Trung Quốc mặc dù về mặt tổng thể tăng trưởng có chậm lại, nhưng so với tình trạng cạnh tranh vô cùng khốc liệt của thị trường game mobile, nó đã trở nên hiền hòa, giảm bớt áp lực hơn rất nhiều. Nhìn chung, thị trường này đã thêm độ chín, người chơi có yêu cầu cao với những sản phẩm có chất lượng, đủ để các công ty có năng lực tự nghiên cứu và vận hành tiếp tục dẫn đầu thị trường, ai có khả năng nghiên cứu phát triển tốt mới có thể đột phá lên được.
Top 20 game PC phổ biến nhất Âu - Mỹ trong tháng 8/2015
Nguồn: Gamek