Nếu ví TI của DOTA 2 như một ngày hội World Cup của các tín đồ túc cầu thì kỳ chuyển nhượng hậu các giải đấu lớn đó cũng có những nét tương đồng.
Kết thúc The International 5, hầu hết các đội DOTA 2 đều có những biến động không ít thì nhiều về mặt lực lượng. Ngay cả EG – nhà đương kim vô địch The International vừa rồi cũng không đứng ngoài vòng quay chuyển nhượng, khi họ thậm chí còn có sự thay đổi chỉ hơn một tuần sau khi đăng quang. Nếu ví The International của DOTA 2 như một ngày hội World Cup của các tín đồ túc cầu thì kỳ chuyển nhượng hậu các giải đấu lớn đó cũng có những nét tương đồng không ít.
Đương kim vô địch EG thay máu ngay sau khi lên ngôi.
Sự khác nhau cơ bản giữa 2 dạng chuyển nhượng có chăng chỉ là các game thủ DOTA 2 hay có xu hướng tách ra rồi tụ họp lại dưới tên một team hoàn toàn mới. Không như một đội bóng đá, đội tuyển DOTA 2 chuyên nghiệp chỉ cần tối thiểu 5 thành viên để có thể thi đấu. Không thể phủ nhận vai trò của nhà tài trợ hay quản lý trong các đội DOTA 2, nhưng trong luật của Valve thì bạn hoàn toàn có thể tham gia các giải đấu khi chỉ cần có đủ 5 thành viên, thậm chí có thể tuyển thêm một vài stand in nếu cần.
Tuy nhiên, bỏ qua sự khác biệt giữa 2 môn thể thao thì nhìn chung, kỳ chuyển nhượng của DOTA 2 giờ cũng không khác là bao so với bộ môn thể thao vua. Thời điểm chuyển nhượng nhộn nhịp nhất cũng thường diễn ra vào mùa hè, đặc biệt là sau các giải đấu lớn như World Cup, Euro với bóng đá hay The International với DOTA 2. Càng giống hơn nữa khi tất cả mọi cuộc chuyển nhượng trong bóng đá sẽ kết thúc vào 1-9 mọi năm, và đó cũng là hạn chót mà Valve yêu cầu các đội phải chốt đội hình cho mùa giải mới. Trong thực tế, song song với việc DOTA 2 ngày càng phát triển, các tuyển thủ DOTA 2 giờ cũng có giá trị rất lớn, nếu so sánh trong các kỳ chuyển nhượng.
Tất bật nhất trong các khu vực có lẽ là tại châu Âu, nơi mà các đội tuyển thường thay máu khá đều đặn mỗi khi không đạt được thành tích như ý hoặc xảy ra những vấn đề nội bộ khách quan. Chưa kể, khu vực CIS thì càng kén cá chọn canh trong mỗi kỳ chuyển nhượng, khi mà sự khác biệt về mặt ngôn ngữ khiến các đội thuộc khu vực này chỉ tuyển những player có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nga hay Ukraina. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tập hợp những đội tuyển hàng đầu, hay có thể nói là thiên đường của các game thủ thể thao điện tử.
Đó là vì hầu hết các tổ chức, nhà tài trợ lớn cho ngành công nghiệp thể thao điện tử mới lạ này chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp châu Âu. Những Natus Vincere, Alliance, Cloud9 hay Fnatic đã quá quen mặt với khán giả ở các bộ môn nổi tiếng khác như CS.GO, LMHT và bây giờ là DOTA 2. Việc được đầu quân và thi đấu dưới trướng các nhà tài trợ lớn chắc chắn sẽ đảm bảo được chất lượng đãi ngộ và thi đấu của các đội tuyển, đi kèm đó là những bản hợp đồng chuyển nhượng bom tấn mỗi khi cần thay máu.
Na`vi là một thương hiệu có tiếng trong làng E-sports.
Thị trường chuyển nhượng player tại Trung Quốc cũng có nét giống với khu vực CIS, khi rào cản ngôn ngữ đã hạn chế khá nhiều cơ hội thi đấu tại đây của các game thủ nước ngoài. Số ít game thủ ngoại quốc thành công và gắn bó lâu dài ở đây không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay như Iceiceice, Mushi hay CHUAN. Ví dụ về thất bại của Black với Vici Gaming mùa giải vừa rồi là một dẫn chứng.
Tuy nhiên, các cuộc chuyển nhượng player DOTA 2 ở Trung Quốc cũng có nét hao hao với bóng đá. Điều giống nhau đầu tiên đến từ giá trị của các game thủ ngày càng tăng, và các đội tuyển đều phải chi một số tiền khá đậm để phá vỡ hợp đồng và sở hữu game thủ họ mong muốn. Chưa kể số tiền lót tay cực lớn mà các game thủ nổi tiếng nhận được khi họ hết hợp đồng và vẫn mong muốn ở lại. Đơn cử như khi khi LGD.Gaming muốn phá vỡ hợp đồng của Xiao8 với Newbee, họ sẵn sàng trả cho tổ chức này số tiền tương đương hơn 3 tỷ VND. Bản hợp đồng đưa Hao đến với VG cũng có giá trị tiền tỷ.
Xiao8 là một trong những player có giá chuyển nhượng cao nhất của DOTA 2 Trung Quốc.
Điểm giống nhau thứ 2 với các cuộc chuyển nhượng bóng đá tại khu vực Trung Quốc chính là phong cách hút máu của các đội tuyển lớn và giàu. Đơn cử như khi LGD.Gaming cần người solo mid, họ hướng con mắt sang đàn em CDEC và lấy về một Maybe – người được coi là thần đồng của DOTA 2 Trung Quốc lúc bấy giờ. Chính bản thân CDEC sau khi mất đi Maybe lại có một mùa The International thành công nhất trong lịch sử, và lại một lần nữa đối diện với nguy cơ chảy máu lực lượng sau mùa giải này. Những Agressif, Garder, Q hay Xz đang là những mặt hàng hot và được các đội tuyển lớn khá thèm muốn.
Các tài năng trẻ của CDEC đang là những gương mặt hot sau thành tích tại TI5.
Tại khu vực SEA và Bắc Mỹ, tính cạnh tranh khá thấp nên kỳ chuyển nhượng dường như chỉ được chú ý ở một số đội tuyển mạnh. Điển hình như đợt thay máu vừa rồi của Fnatic tại MVP.Phoenix, hay việc EG đón lại Judas Arteezy đồng thời Aui_2000 – người bị chính Arteezy thay thế đã thành lập một team mới hoàn toàn trong đó có Biryu – tài năng trẻ người Việt.
DC - team mới lập gây sốt của Aui_2000 cựu thành viên EG.
Nhìn chung, cùng với sự phát triển lớn mạnh của DOTA 2 đó là sự hình thành nên những mô hình đội tuyển, game thủ và các giải đấu một cách khá chuyên nghiệp – điều mà Valve hằng mơ ước. Cứ với đà này, chẳng mấy chốc DOTA 2 sẽ vươn mình độc chiếm ngôi vị môn thể thao vua trong làng E-sports thế giới.
Nguồn: Gamek