Ống tiêm tự hủy sẽ cứu được hàng triệu mạng người
Sử dụng ống kim tiêm cũ là nguyên nhân lớn nhất lây truyền bệnh HIV và một số dịch bệnh khác.
Vào tháng 12 năm 2014, Yem Chrin, một bác sĩ không được cấp phép hành nghề tại Campuchia đã bị kết án vì tội giết người. Nguyên nhân là do ông sử dụng ống tiêm cũ làm lây nhiễm HIV cho hơn 270 người tại một cộng đồng hẻo lánh thuộc tỉnh Battambang, nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 82 tuổi.
Sử dụng ống tiêm cũ là nguyên nhân lớn nhất lây truyền bệnh HIV và một số dịch bệnh khác. Theo báo cáo của WHO vào năm 2014, tổ chức này ước tính vào năm 2010 có khoảng 33.800 người bị nhiễm HIV, 1,7 triệu người bị nhiễm virus viêm gan B và 315.000 người nhiễm virus viêm gan C do sử dụng ống tiêm cũ trong hệ thống y tế.
"Tại một số quốc gia bị giới hạn về nguồn vật dụng y tế, rõ ràng là họ buộc phải tái sử dụng lại các ống tiêm cũ", Lisa Hedman, quản lý dự án của tổ chức y tế thế giới WHO cho biết. "Có một điều họ tin rằng có thể sử dụng cùng ống tiêm cho các thành viên cho gia đình và nghĩ là nó sẽ không mấy nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu một người khỏe mạnh đến cơ sở y tế và bạn tiêm vào họ thuốc để ngừa bệnh, nhưng tình cờ lại thành ra đem thêm mầm mống bệnh tật vào người họ thì điều này quá kinh khủng".
Vào tháng 2 năm nay, tổ chức WHO đã ban hành quy định mới, yêu cầu các quốc gia bắt đầu chuyển sang sử dụng ống tiêm thông minh vào năm 2020. Những ống tiêm này được thiết kế đặc biệt với một chốt kim loại chặn pít tông bên trong kéo ngược trở lại sau khi sử dụng, hoặc pít tông này sẽ bị vỡ nếu có ai cố gắng muốn tái sử dụng nó. Ý tưởng này sẽ có thể cứu mạng hàng triệu người dân.
K1 là tên của sản phẩm ống tiêm này, là thành quả phát triển sau 31 năm của Marc Koska, người sáng lập công ty Star Syringe. Ông cũng cho rằng quy định của WHO nên cứng rắn hơn đến những nhà sản xuất để họ chuyển sang sản xuất loại ống tiêm thông minh mới.
Trong khi pít tông ở ống tiêm truyền thống có thể dễ dàng di chuyển lên xuống, ống tiêm thông minh của Koska thì ngược lại. Ống tiêm này có 2 phần được thiết kế rất đặc biệt: một van nhỏ nằm ở phía dưới pít tông và một thiết bị hình tròn được gắn bên trong thành ống. Một khi việc tiêm thuốc đã xong, 2 phần này sẽ khóa chặt vào nhau, nếu có bất kì lực nào can thiệp vào sẽ làm ống tiêm này vỡ ngay lập tức.
"Đa số các nhân viên y tế tái sử dụng ống tiêm đều là người giỏi, tuy nhiên chính do hệ thống hoặc các yếu tố bên ngoài (cơ sở vật chất, thiếu hụt nguồn vật dụng...) buộc họ phải làm như vậy", ông Koska chia sẻ. "Ví dụ như nếu kiện hàng vật dụng y tế bị thất lạc hoặc hư hỏng trong quá trình chuyển đi và họ đang ở cách nhà kho đến 500 dặm; hoặc nếu đang ở Sudan hay Congo mà chỉ có 12 ống tiêm với 200 bệnh nhân? Thực sự những lúc như vậy họ không có nhiều sự lựa chọn".
Theo Hedman, Ai Cập, Uganda và Ấn Độ hiện đang rất quan tâm đến sản phẩm này và muốn chuyển sang sử dụng ống tiêm thông minh càng sớm càng tốt. "Viêm gan C đã gia tăng tỉ lệ ở Ai Cập do việc tái sử dụng bơm kim tiêm. Điều này đã xảy ra nhiều năm về trước, nhưng một khi đã tạo ra sự lây lan thì thực sự rất khó có thể đưa trở về trạng thái ban đầu", bà cho biết thêm.
Để hạn chế sự lây lan của virus viêm gan C, trong đó Ai Cập là nước có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất thế giới, Hedman giải thích rằng đất nước đó phải huy động cả ngành công nghiệp sản xuất tại địa phương để tiến hành làm ống tiêm thông minh và khởi động chiến dịch thông tin công chúng vào cuối tháng này.
Koska chủ yếu tạo ra loại ống tiêm này nhằm vào các quốc gia đang phát triển. "Chúng tôi hiện không sản xuất đủ các ống tiêm thông minh này, tuy nhiên nó sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong sản xuất ống kim tiêm, từ đó chúng ta sẽ thấy các ống kim tiêm truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi loại tự hủy này.", ông cho biết thêm. Được biết, Koska hiện là một trong nhiều cá nhân và công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ ống tiêm dùng một lần này.
Tham khảo: Motherboard.
8 ứng dụng khoa học không tưởng từ những thứ đơn giản
#new_post #new-topic #tincongnghe